Thứ Năm, 23 tháng 10, 2014

Nỗi nhớ bỗng vô hồn bởi thiếu vắng khát khao.


Chẳng biết từ khi nào nỗi buồn đã hóa thành thói quen
Sự cô đơn được coi như chuyện bình thường của lẽ sống.
Chẳng biết từ khi nào trái tim đã trở thành trống rỗng
Nỗi nhớ bỗng vô hồn bởi thiếu vắng khát khao.
Chẳng biết từ khi nào nắng hóa kiếp hanh hao,
Người cũng quên mất đã trao người câu hứa.
Cơn mưa vẫn thét gào bên bậc thềm trước cửa
Người đối với người thêm một nửa bơ vơ.
Chẳng biết từ khi nào tổn thương hóa dư thừa,
Nụ cười cũng chẳng vừa tẩy niềm đau phai nhạt,
Nước mắt chẳng dâng nổi khóe mi bởi đáy lòng đã cạn,
Đã chẳng đủ tin yêu để cố đến tận cùng.
Chẳng biết từ khi nào quan tâm cũng ngượng ngùng
Hỏi thăm cũng phải dừng vì ngại nghi thật – giả.
Dòng đời nghiệt ngã
Cắt đôi câu thề, chia nửa những ước mong.
Chẳng biết từ khi nào… nhớ thương cũng chỉ còn giấu kín tận đáy lòng
- sưu tầm-

Thứ Năm, 9 tháng 10, 2014

Rượu quê


Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê yên bình ngoại thành Hà Nội - xóm Giữa, Tốt Động, Chương Mỹ. Bao  năm tháng qua đi, ngôi làng nhỏ bé của tôi cũng không biến chuyển gì nhiều. Vẫn còn đó hình ảnh cây đa, giếng nước, mái đình cong vút. Vẫn còn đó những ngôi nhà lợp mái đỏ đã rêu xanh. Vẫn còn đó những con đò nhỏ trên khúc sông quanh co.Thỉnh thoảng sẽ bắt gặp những hàng chữ nguệch ngoạc trên các tường bao bên đường “ Tại đây có bán rượu”, “Bán rượu nếp ngon”…hay có khi bắt gặp hình ảnh những đứa bé  đi mua rượu về cho bố. Tôi lại nhớ nét mặt  vui thích của chúng khi được mẹ tôi chia cho phần cơm rượu dẻo thơm.
Nói đến rượu thì quê tôi không được nổi tiếng như làng Chuông, làng Vân…vì  cả làng chỉ trên dưới  10 người nấu rượu nhưng ai cũng gắn bó với nghiệp cả đời rồi lại truyền cho con cháu. Đó là thứ rượu nếp được nấu theo phương thức cổ truyền nên khi uống sẽ có vị cay nơi đầu lưỡi, ngọt nơi cuống họng, say mà lại êm.
Không nhớ sao được khi mà tôi lớn lên từng ngày với  công việc làm rượu của mẹ, với tình làng nghĩa xóm quanh cái nghề làm rượu, với cả gian bếp bao giờ cũng tỏa mùi men rượu cay nồng. Tôi nhớ niềm thích thú khi hứng những hạt gạo lứt rơi từ máy xay xuống thúng. Hạt nào hạt nấy chen chúc nhau rơi  như muốn nhanh chóng khoe sự căng mẩy sau lớp áo lụa màu vàng nâu khi được lột đi lớp vỏ áo xù xì. Khi đêm còn chưa tàn, ngày còn chưa rạng, mẹ đã lục đục dậy  châm bếp nấu cơm cho kịp hai nồi buổi sáng.  Mẹ vừa chuẩn bị bữa sáng, vừa tất bật tung những mẻ trấu vào bếp. Ấy thế mà nồi cơm nào ra cũng dẻo, cũng thơm. Mẹ bảo, phải đong vừa lượng nước, lúc nước gần cạn phải  chỉnh cho lửa nhỏ để cơm không bị cháy mà vẫn ráo nước thì cơm mới dẻo. Cơm dẻo thì nấu rượu mới ngon. Nếu cơm sống, khi lên men sẽ không ngấu được thì rượu sẽ bị khê, nếu cơm nhão thì rượu hay bị chua. Khi cơm chín sẽ được trải đều trên những chiếc long tre, hơi nước nóng bay nghi ngút như làn sương mờ. Tôi ngồi bên cạnh thỉnh thoảng lại nhón vài miếng cơm để ăn, bởi là cơm lứt nên ăn sẽ không bị ngán như xôi mà lại rất ngọt và bùi. Mẹ cũng nắm sẵn phần cháy cơm  thành những nắm nhỏ cất riêng để dành cho những khách hàng hay những cô bác trong xóm đến ăn. Chẳng thế mà như một thói quen, cứ đến giờ dỡ cơm, nhà tôi lại vui vẻ tiếng nói cười của mấy cô hàng xóm hay cả những đứa trẻ trong làng nữa. Mẹ lại nhanh tay xát những lớp trấu bám trên quả men  cho vào chiếc cối sứ xoay đều, xoay đều, chẳng mấy chốc men đã mịn như bột. Thứ men mà mẹ và những người nấu rượu trong làng dùng nấu rượu đều được làm từ các vị thuốc bắc, nên khi uống say cũng không bị đau đầu như loại rượu được làm từ men Tàu hay rượu pha cồn. Vì vậy nhiều khi  chúng tôi mà bảo bố đừng uống rượu nhiều thì bố lại nói đùa:”uống rượu  nhà mình như uống thuốc bắc, uống vào cho bổ”. ^^. Nhưng cũng phải công nhận rằng, rượu nhà tôi hay rượu làng tôi nó có một hương vị khác hẳn những thứ rượu mà tôi uống ở chỗ khác. Rượu làng tôi thường có nồng độ cao bởi mẹ và những người nấu rượu khác chỉ lấy ít rượu, khi xuất hiện những giọt rượu làm nước trong chai bắt đầu mờ đục thì nó sẽ được lấy làm nước “rích”. Nước rích là  nước rượu cuối, có nồng độ thấp và thường có màu trắng vẩn, để lâu sẽ chua. Khi vừa mở chum rượu ra, bạn sẽ ngửi ngay thấy mùi rượu cay cay nhưng lại dễ chịu. Mẹ cũng thường bảo khách hàng những mẹo chọn rượu ngon chính hãng. Mẹ sẽ mở nắp chai cho khách hàng ngửi rồi bảo mùi như thế nào là tốt, rồi mẹ lại rót lại rượu sang chai khác hoặc lắc lắc chai rượu. Nếu rượu trong, khi rót ra hoặc khi lắc mà thấy tăm rượu (tức là những bóng nhỏ li ti) thì đó đích thị là loại rượu ngon. Nhưng điều làm tôi nhớ nhất là thứ mùi men rượu êm say của gian bếp ủ rượu. Cơm rượu sau khi được trộn đều với men sẽ được cho vào chậu để ủ. Mẹ lại cẩn thận đậy kín chậu để ruồi, gián không bay vào đó. Khi cơm ngấu sẽ tỏa mùi lên men cay cay nồng nồng và rỉ ra nước rượu màu vàng, nước này  uống có vị ngọt,  uống quá nhiều cũng say vì gạo đã lên men. Nếu lấy nước này hòa với nước rượu trắng bạn sẽ được thứ rượu vắt màu vàng nhạt, uống sẽ hơi có vị ngọt. Khi cơm rượu đã ngấu hết, chúng sẽ được đổ vào thùng và ngâm với nước. Nước này được lấy lên từ nước giếng khơi mạch đá ong trong vắt, ngọt lành nhưng vẫn được lọc qua bể lọc. Khi cơm nổi hết lên trên mặt nước cũng là lúc đủ tiêu chuẩn để nấu rượu. Chúng sẽ được nấu trên chiếc nồi đồng to, dày. Và chất đốt ở đây không phải là than mà là củi và trấu, điều này càng làm cho rượu ngon hơn, người nấu cũng dễ dàng  chỉnh được lửa để rượu không không bị dù ra ngoài, không bị khê rượu. Mùa đông, chúng tôi thường lấy nước ở bể ngưng rượu để tắm rửa cho ấm áp. Thỉnh thoảng những người hàng xóm lười đun nước tắm cũng sang xin nước ở đó về. Phần bã còn lại được gọi là bỗng rượu. Bỗng rượu nếp màu vàng, có mùi chua chua, được pha với đường ăn sẽ có vị ngọt chua lạ rất hấp dẫn. Còn mẹ thì thường làm món cá kho bỗng  hoặc canh cá bỗng chua  rất thơm và ngon, không còn vị tanh của cá mà ăn lại thanh.  Hàng xóm xa gần cũng thường đặt trước phần bỗng rượu của mình khi muốn làm món cá kho hay canh cá chua. Thôn quê vốn vậy đó, bao giờ cũng ấm áp tình xóm giềng.
 Đi xa mới biết rượu quê mình ngon lắm nhưng lại cứ lặng lẽ như chính những người nấu rượu vậy. Tôi trầm ngâm nhớ về quê nhà, nhớ hương vị rượu quê không nơi nào giống được. Nhưng quê hương giờ xa lắm. Tôi bỗng nhớ lời tâm sự của thầy giáo tôi về nỗi nhớ quê hương của thầy. Thầy bảo thế này: “Khi người ta xa quê, người ta bất chợt  nhớ đến cả những thứ không ngờ nhất. Ngày thầy đi du học, nhiều khi thầy nhớ cả mùi khai khái của nước  phân lợn trên đôi gánh của những người phụ nữ thôn quê hay bốc ra từ chuồng lợn đâu đó bên đường.” Có lẽ bạn  sẽ bật cười. Hoặc cũng có thể bạn sẽ ngưng  giây phút và chiêm nghiệm lại mình- có những nỗi nhớ khôn nguôi về quê xưa, về tuổi thơ như mùi rơm thơm trong nắng, mùi hoa sữa mỗi độ thu về ở Hà Nội hay đơn giản là tiếng gà gáy sớm mai, tiếng gà mái nhảy ổ trưa vắng….tất cả đều bình dị nhưng khó lòng được cảm nhận lại.
Tôi cũng nhớ  một nhà văn nào đó viết rằng” Con đường về nhà là con đường xa nhất” Lúc đọc nó tôi còn chưa phải xa NHÀ nên băn khoăn lắm “sao con đường về nhà lại có thể là con đường xa nhất được, chỉ cần bạn muốn, NHÀ sẽ luôn nằm đó đón chờ bạn, sao lại là xa nhất”??? Cho đến bây giờ tôi mới thấm thía được điều đó. Có muôn vàn lý do khiến bạn rời xa quê hương, và cũng có muôn ngàn lý do khiến bạn chưa trở về quê được. Vì nuôi chí lớn công thành danh toại mới trở về quê vinh quy bái tổ, cũng có người ham khám phá nơi xa mà đi, đi mãi cho đến ngày trùng chân mỏi gối, hoặc có người an cư lạc nghiệp ở miền đất hứa …nên quê hương vẫn nằm đó mà đường về thì xa quá!